Phân biệt với nhân vật Cuội có biệt tài lừa dối Cuội (cung trăng)

Nhân vật Cuội ngồi gốc cây đa mà bài viết nói đến ở đây được Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Giáo sư Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và đưa vào Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập III (truyện thứ 127) với tên gọi "Cây thuốc cải tử hoàn sinh hay là sự tích thằng Cuội ở cung trăng"[1]. Có quan điểm cho rằng tên của nhân vật Cuội này phát xuất từ âm đọc Hán Việt của chữ Cối (檜, chỉ cây cối nói chung) và âm Nôm là Cội (chỉ gốc cây)[2].

Tại tập II của công trình này, Nguyễn Đổng Chi còn nhắc đến một nhân vật Cuội là người rất tài giỏi lừa dối, thậm chí nhờ sự lừa dối đó mà cuối cùng đã đoạt được ngai vàng, lên làm vua. Câu chuyện cổ tích về nhân vật này (truyện thứ 80) mang tên "Nói dối như Cuội"[3]. Lê Ngọc Trụ, (Giáo sư ngôn ngữ học Việt Nam) cho rằng chữ "Cuội" chỉ nhân vật nói dối này có gốc Hán-Việt là chữ "Quải" (拐). Chữ "Quải" (Hán Việt tự điển của Thiều Chửu) hoặc "Quảy" (Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh) có nghĩa là "lừa dối, dụ dỗ người khác mua hàng", "bắt con nít đem bán (mẹ mìn)"[4]. Các thành ngữ dân gian liên quan đến nhân vật này có thể kể đến Nói dối như Cuội.